Thời gian gần đây, câu chuyện một TikToker vận động quyên góp từ thiện với tổng số tiền lên tới hơn 16 tỷ đồng nhằm hỗ trợ điều trị cho một cậu bé mắc bệnh ung thư máu đã thu hút sự chú ý đông đảo từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc thiếu vắng thông tin cập nhật về tình trạng sức khỏe của bệnh nhi, cùng hành vi né tránh trao đổi của người đại diện (mẹ ruột) liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính đã làm dấy lên nghi vấn về tính công khai, minh bạch của hoạt động này. Đến tối ngày 25/2, TikToker nêu trên đã tổ chức buổi phát trực tiếp (livestream) để giải trình một số vấn đề liên quan, song sự việc vẫn đang trong giai đoạn chờ xác minh và kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng.
Dưới góc độ pháp lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Mục IV của Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong từng trường hợp cụ thể. Nghị định này chỉ yêu cầu cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế, tổ chức từ thiện hoặc pháp nhân mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận và phân phối tiền hỗ trợ. Không có quy định cấm cá nhân sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện. Do đó, việc TikToker sử dụng tài khoản cá nhân để vận động quyên góp không vi phạm pháp luật.
Khoản 2 Điều 23 Nghị định 93/2021/NĐ-CP nêu rõ: “Cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện phải tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng và công khai trên phương tiện truyền thông.” Theo đó, việc các nhà hảo tâm yêu cầu công khai chi phí điều trị và sao kê tài chính từ thiện cho cậu bé là quyền hợp pháp, nhằm đảm bảo nguyên tắc minh bạch.
Trường hợp người thụ hưởng (mẹ bé) không trực tiếp kêu gọi từ thiện, pháp luật hiện hành không quy định chế tài cụ thể nếu họ sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này mang tính chất của một “Hợp đồng tặng cho có điều kiện” (theo Bộ luật Dân sự 2015), nghĩa là người nhận phải có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích đã cam kết.
Ngược lại, nếu người thụ hưởng trực tiếp kêu gọi từ thiện nhưng sử dụng tiền vào mục đích cá nhân (xây nhà, tiêu xài…), hành vi này vi phạm Khoản 2 Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về phân phối, sử dụng sai mục đích nguồn đóng góp tự nguyện”. Khi đó, mẹ bé đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Về phía người quyên góp, nếu phát hiện dấu hiệu thiếu minh bạch, họ có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng. Trường hợp xác định có sai phạm, hành vi chiếm dụng tiền từ thiện có thể cấu thành “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015).
Đối với TikToker, nếu người này chỉ đóng vai trò trung gian kêu gọi và chuyển toàn bộ tiền cho người thụ hưởng mà không hưởng lợi bất chính, họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng về việc chiếm đoạt hoặc thông đồng trục lợi, hành vi có thể bị truy cứu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015).
Hoạt động từ thiện do người nổi tiếng khởi xướng có sức lan tỏa mạnh, góp phần hỗ trợ kịp thời cho các hoàn cảnh khó khăn. Dẫu vậy, việc thiếu chuyên nghiệp trong quản lý – từ khâu tiếp nhận đến công khai thông tin – đã dẫn đến nhiều tranh cãi, làm xói mòn niềm tin xã hội.
————————————————————————
Liên hệ với Luật sư:
- LS. Quãng: 0932.571.339
- LS. Ân: 0905.999.655
- Website: luatmtpd.com
- Email: Easternsunlawfirm@gmail.com
- Fanpage: Công ty Luật Mặt trời Phương Đông – Công ty Luật tại Đà Nẵng
Văn phòng tại Đà Nẵng:
316 Cách Mạng Tháng 8, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Hoạt động tại Quảng Nam: 0905.99.96.55
Hoạt động tại Huế: 0932.57.13.39
Hoạt động tại Quảng Bình: 0971.319.894