Ngày 01/7/2025, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, luật mới đã đưa ra nhiều thay đổi đáng chú ý.
1. Không còn bắt buộc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung
Theo Điều 36 của Luật, từ 01/7/2025, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư không còn bắt buộc đối với nhiệm vụ quy hoạch chung cấp thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ quy hoạch đô thị mới, thị trấn và xã). Việc lấy ý kiến được giới hạn ở các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, giúp rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch.
2. Không yêu cầu lập riêng quy hoạch phân khu đối với đô thị vừa và nhỏ
Luật mới đã loại bỏ yêu cầu bắt buộc lập quy hoạch phân khu cho các đô thị vừa và nhỏ, giúp giảm tải áp lực thủ tục trong quy trình quy hoạch tại cấp địa phương, phù hợp với quy mô và nguồn lực thực tiễn.
3. Bổ sung quy định về quy hoạch không gian ngầm
Điều 34 quy định cụ thể về nội dung quy hoạch không gian ngầm tại các thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:
- Xác định khu vực khai thác, hạn chế hoặc cấm xây dựng công trình ngầm
- Xây dựng công trình công cộng, giao thông ngầm theo dự án độc lập
- Gắn kết đồng bộ giữa không gian trên mặt đất và ngầm
Các bản vẽ quy hoạch không gian ngầm sẽ được lập theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000, tạo nền tảng cho việc phát triển không gian đô thị theo chiều sâu.
4. Công khai quy hoạch trong vòng 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt
Luật quy định rõ về việc công khai nội dung quy hoạch, bao gồm quyết định phê duyệt, bản vẽ, thuyết minh và quy định quản lý, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt (trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước). Ngoài ra, quy hoạch cũng được số hóa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử và nền địa lý quốc gia để đảm bảo tính minh bạch, dễ tiếp cận.
5. Siết chặt điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Điều 46 bổ sung các điều kiện và nguyên tắc khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bao gồm:
- Không làm thay đổi tính chất, chức năng, ranh giới hoặc giải pháp quy hoạch chính
- Phải đánh giá tác động hạ tầng kỹ thuật, xã hội, tuân thủ các quy chuẩn hiện hành
- Trong một số trường hợp, có thể điều chỉnh mà không cần rà soát quy hoạch tổng thể
Quy định mới này giúp hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch tràn lan, đảm bảo sự ổn định và định hướng phát triển lâu dài của đô thị.
6. Quy định rõ về kinh phí cho hoạt động quy hoạch
Điều 10 Luật 2024 quy định rõ nguồn kinh phí gồm:
- Ngân sách nhà nước (chi thường xuyên)
- Kinh phí của tổ chức được chọn làm chủ đầu tư
- Các nguồn hợp pháp khác
Kinh phí được sử dụng cho các hoạt động: khảo sát, lập và điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu, thi tuyển ý tưởng, xây dựng cơ sở dữ liệu…
7. Chỉ lấy ý kiến Bộ Xây dựng với quy hoạch đô thị loại III trở lên
Theo điểm b khoản 2 Điều 37, từ 01/7/2025, UBND cấp tỉnh chỉ cần lấy ý kiến của Bộ Xây dựng đối với:
- Quy hoạch chung đô thị loại II, III hoặc tương đương
- Quy hoạch không gian ngầm và chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố trực thuộc trung ương
So với quy định trước đây (áp dụng cho cả đô thị loại IV), điều chỉnh này giúp tinh giản thủ tục, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.
———————————————————————————————————————————————————————————–
Hãy liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời:





