MIỄN TOÀN BỘ HỌC PHÍ CHO HỌC SINH MẦM NON ĐẾN PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

MIỄN TOÀN BỘ HỌC PHÍ CHO HỌC SINH MẦM NON ĐẾN PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách giáo dục và hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đề xuất chính sách miễn học phí toàn diện cho học sinh từ mầm non đến phổ thông. Đề xuất này dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, bao gồm Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết này đã đặt ra mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và tiến tới miễn học phí trước năm 2020.

Năm 2024, Bộ Chính trị đã cam kết tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW thông qua Kết luận số 91-KL/TW, trong đó nhấn mạnh việc “Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo”. Đồng thời, Kết luận cũng đề ra định hướng “từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi”.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có 10 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) về miễn học phí mầm non và phổ thông cho năm học 2024-2025, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác vẫn chưa thực hiện chính sách này, dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Do đó, Bộ GD-ĐT đã đề xuất Bộ Chính trị và Đảng ủy Chính phủ xem xét mở rộng chính sách miễn học phí toàn diện từ mầm non đến phổ thông trên phạm vi cả nước.

Theo quy định hiện hành, từ ngày 1/9/2025, Nhà nước sẽ miễn học phí cho tất cả học sinh công lập từ mầm non 5 tuổi đến hết THCS (lớp 9). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã áp dụng chính sách giảm 50%-70% học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách xã hội và học sinh dân tộc thiểu số (bao gồm cả trường công lập và dân lập, tư thục).

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung đối tượng miễn học phí cho học sinh mầm non từ 3 tháng đến 4 tuổi và học sinh phổ thông. Theo đó, toàn bộ học sinh mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập sẽ được miễn học phí. Đối với học sinh trường dân lập, tư thục, Nhà nước sẽ cấp bù học phí tương đương mức học phí của trường công lập; phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả.

Về kinh phí thực hiện, theo ước tính của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 23,2 triệu học sinh (không bao gồm học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó có 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 3 triệu học sinh THPT. Dựa trên báo cáo của 46 tỉnh/thành phố và các quy định về mức học phí tối thiểu tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách miễn học phí toàn diện ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng (nếu trừ ngân sách địa phương của các tỉnh/thành đã thực hiện miễn học phí thì ngân sách trung ương sẽ phải thực hiện ít hơn số này). Trên thực tế, mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ.

Sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh giản bộ máy tổ chức hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập trên phạm vi toàn quốc. Chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm học mới 2025-2026, bắt đầu từ tháng 9/2025.

Để đảm bảo việc triển khai chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, cùng các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết định trên.

Quyết định này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách hệ thống chính trị, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Việc thực hiện chính sách này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Trước hết, nó sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ đi học và giảm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, việc miễn học phí đối với học sinh THPT có thể ảnh hưởng đến định hướng phân luồng học sinh sau THCS, khiến nhiều học sinh lựa chọn học lên THPT thay vì học nghề. Điều này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ để đảm bảo cân bằng giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

Liên hệ với Luật sư:

Văn phòng tại Đà Nẵng:
316 Cách Mạng Tháng 8, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Hoạt động tại Quảng Nam: 0905.99.96.55
Hoạt động tại Huế: 0932.57.13.39
Hoạt động tại Quảng Bình: 0971.319.894

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *