LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý

Ngày 25/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật số 88/2025/QH15 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Luật lần này tập trung vào cải cách thủ tục, hiện đại hóa quy trình và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Đây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và tạo thuận lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

1. Tăng mức phạt tiền không lập biên bản (Điều 56)

Khoản 1 Điều 56 được sửa đổi như sau:

“Xử phạt không lập biên bản áp dụng đối với hành vi vi phạm mà mức phạt tiền không quá 500.000 đồng đối với cá nhânkhông quá 1.000.000 đồng đối với tổ chức.”

🔹 Trước đây: chỉ giới hạn ở mức 250.000 đồng (cá nhân)500.000 đồng (tổ chức).
🔹 Ý nghĩa: Giúp xử lý nhanh các vi phạm nhỏ, giảm thủ tục hành chính.

2. Bổ sung hình thức gửi quyết định xử phạt qua phương thức điện tử (Điều 66)

Khoản 1 Điều 66 được sửa đổi, bổ sung:

“Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gửi bằng các hình thức:

  1. Giao trực tiếp
  2. Gửi qua dịch vụ bưu chính bảo đảm
  3. Gửi bằng phương thức điện tử
  4. Niêm yết công khai tại nơi cư trú hoặc trụ sở nếu không thể gửi bằng các hình thức trên”

🔹 Thời hạn gửi: 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Việc bổ sung hình thức gửi bằng phương thức điện tử giúp đẩy nhanh quá trình thi hành và phù hợp với xu hướng số hóa.

3. Áp dụng xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử (bổ sung Điều mới)

Luật bổ sung điều khoản về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử, cụ thể:

“Điều 18a. Xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử

  1. Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
  2. Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
  3. a) Tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan;
  4. b) Việc thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu phải bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực, an toàn, đúng mục đích, phạm vi theo quy định của pháp luật;
  5. c) Kết nối hệ thống, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước và giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
  6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

🔹 Điều này đã đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước. Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và thông tin.

4. Sửa đổi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6)

Điểm a Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi:

“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các lĩnh vực sau có thời hiệu 02 năm:

  • Kế toán, hóa đơn, phí – lệ phí
  • Bảo hiểm, chứng khoán, giá, thuế
  • Sở hữu trí tuệ, xây dựng, khoáng sản
  • Đất đai, môi trường, năng lượng nguyên tử
  • Hàng hóa cấm, xuất nhập khẩu, báo chí, xuất bản…”

Điểm c Khoản 1 Điều 6 được bổ sung:

“Trường hợp hành vi vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được kéo dài thêm 01 năm. Thời gian cơ quan tố tụng thụ lý được tính vào thời hiệu xử phạt.”

5. Giao thẩm quyền xử phạt cho cấp phó (Điều 54)

Khoản 1 Điều 54 được sửa đổi:

“Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.”

🔹 Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phân quyền, giảm tải, giúp các cơ quan xử lý linh hoạt và hiệu quả hơn.

6. Làm rõ quy định chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm (Điều 62)

Khoản 1 Điều 62 được sửa đổi:

“Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền tố tụng để xử lý.”

🔹 Mục tiêu: tránh hành chính hóa các vụ việc hình sự, đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý.

Luật số 88/2025/QH15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ. Các quy định mới giúp rút ngắn quy trình xử lý vi phạm, tăng khả năng tiếp cận và phản hồi của người dân, tổ chức, phân bổ nguồn lực hợp lý trong hệ thống hành chính, đảm bảo xử lý đúng bản chất hành vi pháp lý. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần sự phối hợp giữa các cơ quan, đào tạo cán bộ, đầu tư hạ tầng công nghệ và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

———————————————————————————————————————————————————————————–

Hãy liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời:

☎️ LS.Quãng: 0932.571.339 – LS.Ân: 0905.999.655
📍 Văn phòng Công ty tại Đà Nẵng
316 CÁCH MẠNG THÁNG 8, HÒA THỌ ĐÔNG, CẨM LỆ, ĐÀ NẴNG
📍 Hoạt động tại Quảng Nam
 0905.99.96.55
📍 Hoạt động tại Huế
 0932.57.13.39
📍 Hoạt động tại Quảng Bình
0971.319.894
Trân trọng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *